Mô hình chuyển đổi số cấp tỉnh ở Lạng Sơn

Mô hình chuyển đổi số cấp tỉnh tại Lạng Sơn là mô hình tổng thể và toàn diện với 05 trụ cột là Chuyển đổi số trong cơ quan Đảng, Phát triển chính quyền số, Kinh tế số, Xã hội số và Cửa khẩu số.

Chuyển đổi số phải thực hiện toàn dân, toàn diện, đồng thời và là giải pháp đột phá để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, cải cách hành chính, nâng cao năng lực, hiệu quả, tính minh bạch trong hoạt động của các cấp chính quyền. Phấn đấu mục tiêu đến năm 2025 tỉnh Lạng Sơn nằm trong top 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số.  

Trong năm 2021, tỉnh đã hoàn thành một số mục tiêu chuyển đổi số quan trọng như 100% trường học sử dụng trên nền tảng số dạy và học trực tuyến, bỏ hoàn toàn học bạ và bảng điểm giấy của 200.000 học sinh; 60% số hộ gia đình có cửa hàng số và 53% hộ gia đình có tài khoản thanh toán điện tử, doanh thu từ kinh tế số trên địa bàn tỉnh tăng gần 200 lần; 100% hoạt động của chính quyền các cấp từ tỉnh đến xã đưa lên trên nền tảng số, 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 phục vụ người dân và doanh nghiệp trên nền tảng số; 03 nền tảng số quan trọng đi vào hoạt động phục vụ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn là Cửa khẩu số, ATM mềm và CSDL đất đai.

Lạng Sơn là vùng đất cửa ngõ "phên dậu", địa đầu của Tổ quốc với lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, giàu truyền thống cách mạng, luôn giữ vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an nình và đối ngoại của đất nước. Lạng Sơn có 11 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm 01 thành phố với 200 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 05 phường, 14 thị trấn và 181 xã. Là một tỉnh miền núi biên giới, nghèo, diện tích rộng, địa hình phức tạp, xa cách, thời tiết khí hậu khắc nghiệt; đường biên giới dài trên 231km, dân số toàn tỉnh gần 800.000 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 84%, đất rộng người thưa, mật độ dân số là 94,9 người/km2 - chưa bằng 1/3 trung bình mật độ dân cư chung của cả nước. Thu nhập bình quân đầu người đạt 46,5 triệu đồng, bằng 43% mức bình quân của cả nước, năng suất lao động thấp, nông lâm nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, trình độ sản xuất, canh tác còn hạn chế, trình độ nhận thức chưa đồng đều. Bên cạnh đó tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp thời gian qua ảnh hưởng tiêu cực lên mọi mặt đời sống xã hội.

Câu chuyện bắt nguồn từ buổi giao lưu thể thao của Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông với Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc

Tại buổi giao lưu thể thao giữa lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông với lãnh đạo các đơn vị trực thuộc vào ngày nghỉ cuối tuần, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã chia sẻ "Công cuộc chuyển đổi số là toàn dân, toàn diện và thực hiện đồng thời", buổi giao lưu chơi thể thao hôm đó có sự tham gia của Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lạng Sơn, cán bộ được Bộ Thông tin và Truyền thông biệt phái, tăng cường cho tỉnh Lạng Sơn để dẫn dắt chuyển đổi số đã luôn nhớ và suy nghĩ về những tư tưởng chiến lược của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng. Với tâm huyết và ý chí khát vọng công cuộc chuyển đổi số cho tỉnh Lạng Sơn, phải xây dựng được mô hình chuyển đổi số của tỉnh, thực hiện toàn dân, toàn diện và thực hiện đồng thời. Trong một thời gian ngắn đồng chí Nguyễn Khắc Lịch, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông đã nhanh chóng nghiên cứu, tìm hiểu, nắm bắt công việc và sát sao đến tận cơ sở từ thôn/bản/khối phố, đến xã/phường/thị trấn, huyện/thành phố, các sở/ngành, đồng thời tham mưu cho Lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh cơ chế chính sách để chuyển đổi số tổng thể, toàn diện, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm.

Từ tháng 06/2021, đồng chí Nguyễn Khắc Lịch đã tham mưu, đề xuất Ban cán sự đảng UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng Nghị quyết về chuyển đổi số tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tại một hội nghị của tỉnh đồng chí Nguyễn Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã chia sẻ và chỉ đạo người đứng đầu các cấp, các ngành tỉnh Lạng Sơn sớm thực hiện chuyển đổi số tổng thể, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, chuyển đổi nhận thức của cộng đồng, tư duy và ý chí quyết tâm của cả hệ thống chính trị, nắm bắt kịp thời và tận dụng có hiệu quả cơ hội do chuyển đổi số mang lại, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, lấy thể chế và công nghệ làm động lực, phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá, đảm bảo an toàn, an ninh mạng là then chốt, chủ động, quyết liệt, sáng tạo khi tiến hành chuyển đổi số nhằm đem lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp.

Hiệu quả mang lại từ chủ trương đến phương pháp triển khai đúng

Tỉnh Lạng Sơn với nhiều khó khăn, thách thức, xuất phát điểm thấp nên xác định chuyển đổi số là giải pháp đột phá chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã chỉ ra. Với quyết tâm đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TU ngày 28/09/2021 về chuyển đổi số tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, là một trong 06 tỉnh, thành phố đầu tiên sớm ban hành được Nghị quyết của Ban thường vụ Tỉnh ủy để lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công cuộc chuyển đổi số của địa phương.

Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định chuyển đổi số tổng thể và toàn diện với 05 trụ cột chính là chuyển đổi số trong cơ quan Đảng, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, cửa khẩu số. Những chủ trương quyết sách lớn để triển khai hoàn chỉnh mô hình chuyển đổi số cấp tỉnh là bài toán không dễ đối với tỉnh Lạng Sơn. Tuy vậy, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Lạng Sơn đã chủ động thực hiện các giải pháp xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số, cửa khẩu số và xác định biến khó khăn thành động lực, thách thức là thời cơ và đặt mục tiêu rất cao, nỗ lực phấn đấu đến năm 2025 Lạng Sơn sẽ là một trong 10 tỉnh dẫn đầu toàn quốc trong lĩnh vực chuyển đổi số.


Minh họa: Mô tả khái quát Nền tảng cửa khẩu số

Sau khi xác định rõ hướng đi với những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, và các văn bản hướng dẫn của trung ương. Tối ưu hóa các nguồn hỗ trợ về nhân lực, vật lực của Bộ TT&TT, của các doanh nghiệp công nghệ số lớn trong ngành như: VNPT, Viettel, VNPOST, Mobifone và tập trung huy động các nguồn lực từ nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số. Quá trình tổ chức triển khai thực hiện bài bản, khoa học, thực hiện nghiêm kỷ luật kỷ cương hành chính kết hợp sáng tạo, bứt phá, quyết liệt trong kiểm tra đôn đốc và thực hiện trên cơ sở nguyên tắc Người lãnh đạo, đứng đầu các cấp phải đi trước, dẫn dắt, người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể chính của công cuộc chuyển đổi số. Đến nay, tỉnh Lạng Sơn đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng:

- Trong năm 2021 Sở Thông tin và Truyền thông đã xây dựng và hoàn thành 30/30 nhiệm vụ trọng tâm về chuyển đổi số, là một trong top đầu các tỉnh/thành triển khai thành công công nghệ, nền tảng số trong phòng, chống dịch Covid-19 của cả nước.

- Hai nội dung đã hoàn thành đột phá ngay trong năm 2021, việc 05 năm làm 01 năm, việc của năm 2025 hoàn thành trong năm 2021 là:

(1) 100% trường học sử dụng trên nền tảng số chung dạy và học trực tuyến 674/674 từ trường mầm non đến PTTH, sử dụng nền tảng số VNEDU của VNPT và SMASS của Viettel; 100% giáo viên sử dụng chữ ký số với 20.000 giáo viên, bỏ hoàn toàn học bạ và bảng điểm giấy của 200.000 học sinh; trước đây mỗi một trường học sử dụng khoảng 10 phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin dữ liệu phân tán, tiêu tốn kinh phí lớn, nay chuyển sang sử dụng nền tảng số, tiết kiệm được ngân sách khoảng 130 tỷ đồng.

(2) Kinh tế số nông nghiệp nông thôn, từ 200 cửa hàng số ban đầu đã phát triển được 116.301 cửa hàng số, đạt 60% số hộ gia đình có cửa hàng số và phát triển được 102.043 tài khoản thanh toán điện tử đạt 53% hộ gia đình có tài khoản thanh toán điện tử, doanh thu từ kinh tế số tăng gần 200 lần, theo trang website thống kê về số hộ nông dân lên sàn thương mại điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông thì chỉ tính riêng số giao dịch thành công trên cửa hàng số của các hộ nông dân Lạng Sơn đứng thứ 2 toàn quốc sau Bắc Giang và số sản phẩm đưa lên sàn cũng đứng thứ 2 toàn quốc sau Hà Nội.

- 100% hoạt động của chính quyền các cấp từ tỉnh đến xã đưa lên trên nền tảng số, như Hệ thống quản lý văn bản chỉ đạo và điều hành, hội nghị truyền hình trực tuyến, hệ thống thông tin báo cáo, 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 phục vụ người dân và doanh nghiệp trên nền tảng số, trong đó Trung tâm thông tin chỉ đạo điều hành thông minh của UBND tỉnh là bộ não điều hành số. Các cơ sở dữ liệu dùng chung được liên thông qua trục LGSP của tỉnh và chia sẻ qua trục NGSP của quốc gia; An toàn, an ninh mạng là then chốt trong công cuộc chuyển đổi số của tỉnh đã thăng hạng từ hạng C lên hạng A cao nhất.

- Hoàn thành xây dựng được 03 nền tảng số, giải pháp số mới được phát triển, triển khai đầu tiên tại Lạng Sơn, sau đó triển khai nhân rộng cho các địa phương:

(1) Nền tảng cửa khẩu số sẽ đưa các hoạt động xuất nhập khẩu của 10 lực lượng chức năng, Biên phòng, Hải quan, Cảnh sát giao thông, Thuế, Kiểm dịch, ..., gần 700.000 xe container/năm lên một nền tảng cửa khẩu số duy nhất.

(2) Giải pháp số về cung cấp dịch vụ ATM mềm thay thế cây ATM truyền thống để cung cấp dịch vụ nạp/rút/chuyển tiền tại các xã vùng sâu, vùng xa phục vụ chuyển đổi số, chính quyền số, kinh tế số khu vực nông thôn, miền núi.

(3) Nền tảng số cung cấp thông tin dữ liệu đất đai minh bạch về quy hoạch, thông tin chi tiết của từng thửa đất, hiện đã cung cấp thông tin của hơn 2,3 triệu thửa đất trên toàn tỉnh Lạng Sơn.

- Các nhiệm vụ cụ thể trên 05 trụ cột chuyển đổi số là: Chuyển đổi số trong cơ quan Đảng, xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số, cửa khẩu số đã hoàn thành đồng bộ, tương đối hoàn chỉnh, rõ nét mô hình chuyển đổi số cấp tỉnh tại Lạng Sơn. UBND tỉnh đã ban hành đồng bộ nhiều các văn bản quy phạm pháp luật, chỉ đạo điều hành phục vụ chuyển đổi số trong đó có quyết định của UBND kiện toàn cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ mới theo chủ trương chuyển đổi số, xây dựng, triển khai hạ tầng số, công nghệ số, nền tảng số và đồng thời cơ cấu lại Phòng CNTT thành Phòng Chuyển đổi số, Phòng Bưu chính Viễn thông thành Phòng Hạ tầng số, Trung tâm CNTT-TT thành Trung tâm Công nghệ Số đây là một việc quan trọng, danh chính thì ngôn thuận, chỉ đạo, dẫn dắt chuyển đổi số sẽ tốt hơn; xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo điều hành, quy định về quy trình mới để triển khai các nền tảng số,... Đây là nội dung quan trọng mang tính nền tảng để xây dựng thể chế số cho chuyển đổi số tại địa phương.

Từ việc có 05 trụ cột về chuyển đổi số và lộ trình, các bước triển khai thực hiện hiệu quả đã tác động làm thay đổi diện mạo của tỉnh trên nhiều lĩnh vực, cải cách hành chính, hiệu lực hiệu quả hoạt động của chính quyền được nâng cao. Các nguồn lực được huy động và quản lý, khai thác hiệu quả. Chuyển đổi số đã góp phần nâng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 52%, huy động vốn tăng 6,2%, thu ngân sách tăng 48% so với năm 2020. Số hộ nghèo giảm 2%. Sản lượng lượng thực, trồng rừng mới đều tăng,... góp phần tăng GRDP trên địa bàn năm 2021 là 6,67%, đứng thứ 15 cả nước và thứ 3 khu vực 14 tỉnh trung du miền núi phía Bắc.

Những kết quả bước đầu của chuyển đổi số Lạng Sơn năm 2021 đã khẳng định mô hình điển hình về chuyển đổi số cấp tỉnh như sau:

- Kiến trúc và quy hoạch chuyển đổi số cấp tỉnh theo đúng Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2021, ứng phó với đại dịch Covid-19, những thách thức phi truyền thống, kỷ nguyên số đã làm bộc lộ rõ hơn những khó khăn, thách thức và cả những cơ hội. Chuyển đổi số sẽ đem lại những đột phá cho các địa phương, nhất là với tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn như Lạng Sơn.

- Tạo ra không gian số rộng lớn, thống nhất của cấp ủy, chính quyền kết nối với người dân và doanh nghiệp: Lạng Sơn đã ứng dụng đầy đủ các công nghệ số, như: điện toán đám mây, Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo và đặc biệt Lạng Sơn đã sử dụng 100% nền tảng số ứng dụng Made in Vietnam… với mức đầu tư từ ngân sách nhà nước thấp nhất; các doanh nghiệp cung cấp các giải pháp xuất sắc nhất và sự sẵn sàng, sự hưởng ứng cao nhất của người dân và doanh nghiệp.

Ban Chỉ đạo chuyển đối số tỉnh Lạng Sơn được nối dài từ tỉnh, huyện, xã đến tận cơ sở với các trưởng thôn bản, khối phố và những người am hiểu, say mê chuyển đổi số. Đặc biệt Lạng Sơn đã thành lập, đào tạo cho lực lượng nòng cốt 1.702 tổ công nghệ cộng đồng với hơn 6.214 người dân để lan tỏa công nghệ số, nền tảng số, dịch vụ số đến mọi ngóc ngách của cuộc sống người dân và doanh nghiệp.

- Không gian số về kinh tế với gần 2.000 doanh nghiệp cả nước tham gia xuất nhập khẩu, hàng vạn lái xe chở hàng xuất nhập khẩu tham gia vào cửa khẩu số. Hơn 116.000 cửa hàng số của các hộ gia đình còn là nơi sinh hoạt văn hóa, sinh hoạt cộng đồng, nơi hội tụ giao lưu các sản vật các vùng miền.

- Không gian số về giáo dục với sự hoạt động của trên 200.000 giáo viên và học sinh các cấp từ mầm non đến phổ thông trung học trên toàn tỉnh, được vận hành hoạt động trên cùng nền tảng số.

Bài học kinh nghiệm:

Từ việc xây dựng mô hình chuyển đổi số cấp tỉnh ở Lạng Sơn với 5 trụ cột chuyển đổi số là: Chuyển đổi số trong cơ quan Đảng, xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số, cửa khẩu số với phương châm thực hiện toàn dân, toàn diện và thực hiện đồng thời, đạt được kết quả bước đầu kể trên trong công cuộc chuyển đổi số, tỉnh Lạng Sơn rút các bài học kinh nghiệm sau:

(1) Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp cần chủ động đi trước, dẫn dắt; người dân và doanh nghiệp là trung tâm và là mục tiêu phát triển của chuyển đổi số; Sở Thông tin và Truyền thông xác định trách nhiệm là cơ quan chủ động dẫn dắt công cuộc chuyển đổi số của tỉnh.

(2) Cách thức thực hiện chuyển đổi số là: toàn dân, toàn diện và thực hiện đồng thời; thực thi tốt các chiến lược vết "dầu loang", chiến lược "đầu tầu" và lực lượng nòng cốt - tổ công nghệ cộng đồng để làm mẫu, phổ biến công nghệ số, dịch vụ số, nền tảng số, kỹ năng số đến mọi ngóc ngách của cuộc sống.

(3) Chấp nhận cái mới, cái chưa có tiền lệ, huy động nguồn lực của cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số, thử nghiệm trong mô hình nhỏ trước khi ban hành rộng rãi. 

(4) Truyền thông lan tỏa năng lượng tích cực, nhân vật điển hình, cách làm mới, cách làm hay của chuyển đổi số trên nhiều nền tảng, như: hệ thống truyền thanh cơ sở (loa phường), các nền tảng mạng xã hội: Zalo, Facebook, tin nhắn SMS, báo điện tử, đài truyền hình, ...  

Bài viết mới nhất

Thư viện sách số
An toàn trên mạng - Lá chắn thép trong kỷ nguyên số