Thẻ kiểm soát dịch bệnh Covid -19 tại Thừa Thiên Huế

Thừa Thiên Huế là tỉnh đầu tiên trên cả nước phối hợp với Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia cấp phát thẻ kiểm soát dịch bệnh có mã QR Quốc gia. Người dân có thể lựa chọn dùng thẻ giấy, thẻ nhựa (in ra mang theo người) hoặc sử dụng thẻ điện tử trên ứng dụng Hue-S.

Đến nay, 100% người dân Thừa Thiên Huế đã được cấp "Thẻ kiểm soát dịch bệnh". Địa phương này đã làm được một việc khó của giới công nghệ, đó là giúp người dân có niềm tin vào một "mã hình vuông" có thể bảo vệ họ trước dịch bệnh. 

Mã QR quốc gia là chủ trương mang tính chiến lược của Bộ TT&TT và đã được tỉnh Thừa thiên Huế gấp rút triển khai. Dùng mã QR quốc gia thì người dân Huế ra khỏi tỉnh vẫn dùng được, người ngoại tỉnh vào vẫn dùng được, đi đâu cũng dùng được. Với tinh thần đó, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng đã chỉ đạo Trung tâm công nghệ quốc gia gấp rút hoàn thành việc thiết lập, mở kết nối API và phối hợp cấp chuẩn cho Sở Thông tin và Truyền thông để chủ động tạo mã QR cho người dân theo chuẩn quốc gia.

Khi mã QR quốc gia được kết nối, đồng chí Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa thiên Huế đã có sáng kiến làm "Thẻ kiểm soát dịch bệnh gắn mã QR quốc gia" và được UBND Tỉnh chấp thuận. Sau 03 tháng triển khai, 100% người dân Thừa Thiên Huế đã được cấp "Thẻ kiểm soát dịch bệnh".

Thẻ kiểm soát dịch bệnh phát huy hiệu quả là ở chỗ toàn dân và toàn diện, được người dân hết sức ủng hộ. Vì không phải ai cũng có smartphone; không phải ai có smartphone cũng biết kỹ năng sử dụng; không phải lúc nào, chỗ nào truy cập Internet cũng ổn định. Trước đây người có smartphone mới dùng được mã QR, giờ đây mỗi người dân Huế sẽ có một mã QR quốc gia dùng được mọi lúc, mọi nơi.

Mọi công dân đều được cấp "Thẻ kiểm soát dịch bệnh". Trên tấm thẻ này là mã QR quốc gia duy nhất của mỗi công dân. Tùy vào điều kiện, công dân có thể lựa chọn hình thức của thẻ: Thẻ giấy, thẻ nhựa (in ra mang theo người) hoặc sử dụng thẻ điện tử trên ứng dụng Hue-S.

Hướng dẫn tạo thẻ trên ứng dụng Hue-S

Thẻ kiểm soát dịch bệnh phục vụ mục đích: quét QR trên thẻ tại tất cả các điểm đến sẽ giúp cho cơ quan chức năng dễ dàng truy vết, thông báo và tiến hành hỗ trợ y tế ngay cho công dân trong trường hợp xuất hiện ca bệnh đã đi đến điểm trùng với điểm công dân đã đến. Giúp cho công dân kiểm soát lịch trình di chuyển của bản thân trong giai đoạn dịch bệnh.

Việc giám sát và truy vết sẽ hiệu quả hơn khi người dân dùng Thẻ kiểm soát dịch bệnh. Trước đây, Mã QR được dán cố định tại điểm kiểm soát và người dân cần có smartphone và cần tự giác quét. Cách làm này không phát huy được hiệu quả truy vết vì số lượng ghi nhận quét QR rất thấp. Thẻ kiểm soát dịch bệnh làm theo hướng ngược lại. Ví như tại chợ Đông Ba, có 12 điểm kiểm soát ở 12 cổng ra vào chợ, mọi tiểu thương, mọi người dân ra vào đều được BQL quét mã QR trên Thẻ kiểm soát.

Tạo tâm lý an tâm cho người dân. Với người dân chưa bao giờ dùng điện thoại thông minh, tiểu thương quanh năm buôn bán ở chợ, học sinh nhỏ chưa có điện thoại sẽ được cấp thẻ với tiêu đề "Thẻ kiểm soát dịch bệnh". Vì thế, đã tạo ra được tâm lý an tâm và tò mò khiến người dân đến điểm quét trải nghiệm và từ đó hình thành các thói quen quét QR. Một số người dân thậm chí phấn khích khi được cấp thẻ đeo trước ngực – cảm thấy được bảo vệ. Huế đã làm được một việc khó của giới công nghệ, đó là người dân có niềm tin vào một "mã hình vuông" giúp bảo vệ họ trước dịch bệnh.

Chi phí rẻ và linh hoạt. Mỗi thẻ nhựa giá thành khoảng 13.000 VNĐ, thẻ giấy khoảng 5.000 VNĐ, nếu tạo thẻ trên Hue-S với điện thoại thông minh thì giá là 0 đồng. Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh và người dân đều được cấp công cụ chủ động in thẻ để giảm áp lực kinh phí từ ngân sách.

Huế cũng là một trong những địa phương đầu tiên yêu cầu việc kết nối và liên thông dữ liệu tiêm chủng với các nền tảng chống dịch tại địa phương. Dựa trên Thẻ kiếm soát dịch bệnh gắn mã QR quốc gia, Trung tâm công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia đã giúp Huế liên thông trả kết quả tiêm chủng và xét nghiệm trên nền tảng Hue-S.

Cách làm của Huế là thống nhất và toàn diện, vừa phối hợp với cơ quan trung ương về tiêu chuẩn, kỹ thuật quốc gia vừa tổ chức truyền thông và xây dựng website hướng dẫn để công dân, tổ chức chủ động tạo thẻ và có thể tạo hộ cho người thân trong gia đình. Đối với cơ quan nhà nước là bắt buộc và chủ động triển khai cho cơ quan đơn vị mình. Đối với chính quyền địa phương thì áp chỉ tiêu để cán bộ, đoàn thanh niên, tình nguyện viên đi từng hộ gia đình triển khai. Đối với các trường, tổ chức đào tạo giao chỉ tiêu cho các đơn vị thực hiện trực tiếp. Đối với tình nguyện viên thì tổ chức triển khai trực tiếp hỗ trợ cấp thẻ cho người dân và người kinh doanh tại các khu vực trọng điểm như chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, điểm kinh doanh đông người. Đối với các khu công nghiệp thì ban hành thành tiêu chí bắt buộc triển khai để đảm bảo điều kiện kinh doanh. Ngoài ra, Tổng đài 19001075 là được vận hành 24/7 để hỗ trợ cho kỹ thuật tạo thẻ.

Bài học kinh nghiệm:

- Việc 05 năm đã làm được trong một tháng. Mỗi người dân của tỉnh có một mã QR là ước mơ của Sở TT&TT Huế 05 năm trước mà không thể thực hiện được nếu không tận dụng bối cảnh dịch Covid-19.

- Chuyển đổi số làm cho việc quản lý trở nên đơn giản hơn. Kiểm soát ra vào bằng việc quét mã QR trên thẻ kiểm soát dịch bệnh thì chính quyền sẽ là quản lý cơ sở kinh doanh, các điểm kiểm soát thay vì quản lý hành vi của người dân.

- Chuyển đổi số là toàn dân và toàn diện. Giải pháp thẻ giấy, thẻ nhựa, kết hợp thẻ trên điện thoại thông minh là cách tiếp cận bao trùm (inclusive), không một ai bị bỏ lại phía sau, được người dân trong tỉnh rất ủng hộ.

- Chuyển đổi số là chung tay, cùng làm, cùng giải quyết bài toán. Sự phối hợp giữa Bộ TT&TT và Sở TT&TT Huế trong thời gian rất ngắn, đã giải quyết bài toán truy vết, tạo điều kiện thuận tiện hơn cho người dân trong thời gian dịch bệnh. Dùng mã QR quốc gia thì người dân ra khỏi tỉnh vẫn dùng được, người ngoại tỉnh vào Huế cũng sử dụng được, đi đâu cũng dùng được.  

Bài viết mới nhất

Thư viện sách số
An toàn trên mạng - Lá chắn thép trong kỷ nguyên số